Bạn đang xem bài viết Soạn bài Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 9 trang 84 sách Chân trời sáng tạo tập 1 tại thcshuynhphuoc-np.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Soạn bài Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử Chân trời sáng tạo, hướng dẫn chuẩn bị cho phần nói và nghe.
Nội dung chi tiết của tài liệu được đăng tải ngay sau đây. Hãy cùng theo dõi để chuẩn bị bài nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Nói và nghe: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Đề bài: Bài viết của em được chọn để trình trong buổi trao giải cuộc thi “Danh thắng và di tích tôi yêu” do một tạp chí du lịch tổ chức. Em hãy chuyển bài viết thành bài nói để thuyết minh với người nghe về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử.
Bước 1: Chuẩn bị trước khi nghe
Tìm hiểu các thông tin về đối tượng người nghe; địa điểm trình bày bài nói (Ở danh thắng, di tích hay ở địa điểm nào khác? Trong phòng hay ngoài trời?); thời lượng cho phép của bài nói.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
– Tóm tắt nội dung bài viết thành sơ đồ theo trình tự sau:
- Mở đầu: nêu tên và giới thiệu khái quát về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử.
- Nội dung chính: trình bày có hệ thống các thông tin liên quan đến các phương diện khác nhau của danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử (vị trí tọa lạc; lịch sử hình thành; đặc điểm kiến trúc, cảnh quan,…; giá trị lịch sử, văn hóa; cách thức tham quan; …)
- Kết thúc: đánh giá khái quát về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử; bày tỏ suy nghĩ, tình cảm về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử; đưa ra lời mời tham quan (nếu cần).
– Chuẩn bị các phương tiện phi ngôn ngữ (hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu, đoạn phim,…) để tăng sự hấp dẫn cho bài nói.
Bước 3: Luyện tập, trình bày
– Chào hỏi người nghe, tự giới thiệu về bản thân, mối quan tâm và sự yêu thích của em dành cho danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử giới thiệu.
– Trình bày các thông tin rõ ràng, mạch lạc, chính xác.
– Kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu, đoạn phim, ngôn ngữ hình thể,…).
– Lựa chọn từ ngữ phù hợp với văn nói.
– Dự kiến các câu hỏi, thắc mắc của người nghe và câu trả lời.
Bước 4: Trao đổi, đánh giá
Dựa vào bảng kiểm dưới đây để tự đánh giá bài nói của mình đồng thời góp ý cho bài nói của bạn.
Gợi ý:
(1) Mở đầu: Xin chào thầy cô và các bạn, tôi là…, học sinh lớp…. Sau đây, tôi sẽ trình bày về vấn đề….
(2) Nội dung chính:
“Ai về đến huyện Đông Anh,
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương.
Cổ Loa hình ốc khác thường,
Trải qua năm tháng, nẻo đường còn đây.”
Mỗi khi nghe bài ca dao này, tôi không khỏi cảm thấy tự hào khi nghĩ về quê hương mình. Chắc hẳn, là một người dân Việt Nam, ai cũng đã từng nghe đến truyền thuyết về vua An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa với sự giúp đỡ của thần Kim Quy. Trải qua năm tháng, thành Cổ Loa vẫn còn nguyên những giá trị về lịch sử, văn hóa.
Thành Cổ Loa được xây dựng vào khoảng thế kỷ III TCN, dưới thời trị vì của An Dương Vương, do sự chỉ đạo trực tiếp của Cao Lỗ. Thành tọa lạc tại một khu đất đồi nằm ở tả ngạn sông Hoàng – vốn là một nhánh lớn của sông Hồng. Ở thời Âu Lạc thì vị trí của Cổ Loa nằm ngay tam giác châu thổ sông Hồng, là nơi giao lưu giữa đường thủy và đường bộ. Đây được coi là vị trí có thể kiểm soát được cả đồng bằng lẫn vùng núi nên được chọn làm kinh đô.
Có lẽ, nếu nói đến nét đặc sắc nhất khi nhắc đến thành Cổ Loa, ai cũng sẽ phải công nhận đó là ở kiến trúc của thành. Theo tương truyền, thành bào gồm chín vòng xoáy trôn ốc. Tuy nhiên, căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành chỉ có ba vòng. Trong đó, vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi vòng ngoài là 8km, vòng giữa là 6,5km, vòng trong là 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4m – 5m, có chỗ cao đến 8m – 12 m. Chân lũy rộng 20m – 30m, mặt lũy rộng 6m – 12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối.
Thành có cấu tạo gồm ba phần: thành nội, thành chung và thành ngoại. Thành nội có hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6m – 12m, chân rộng từ 20m – 30m, chu vi 1.650 m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc “Ngự triều di quy”. Kế tiếp là thành trung xây dựng theo một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m. Thành có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng. Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3m – 4m (có chỗ tới hơn 8m). Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng.
Bên trong thành là các khu đình, đền bao gồm: đền Thượng (đền thờ An Dương Vương) được dựng trên khu đất rộng 19.138,6m 2 . Tại vị trí lối lên cửa giữa của đền đặt đôi rồng đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê – Mạt. Trong đền còn lưu giữ năm tấm bia đá và năm mươi ba hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc. Kiến trúc đền bao gồm tiền tế theo kiểu ba gian, hai chái. Hệ khung kết cấu gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Trên hệ mái đắp các đầu đao cong, tượng nghê chầu. Các bộ vì chính được làm theo kiểu giá chiêng, sơn son thếp vàng, chạm họa tiết “rồng vờn mây”; trung đường đấu mái liền với hậu cung, tạo thành dạng thức kiến trúc kiểu “chuôi vồ”, bên trong đặt tượng An Dương Vương, bằng đồng, nặng khoảng 200kg, đúc năm 1897. Tiếp đến là đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy) có bố cục mặt bằng nền hình chữ “Đinh”, gồm đại đình và hậu cung. Đại đình gồm năm gian, hai chái. Kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài, với bốn góc đao cong vút. Các bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng, chồng rường”, với sáu hàng chân cột. Hậu cung nối liền với đại đình qua bộ cửa bức bàn phía dưới và đấu mái ở phía trên. Các đề tài trang trí trên kiến trúc này mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII. Kế tiếp là Am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu) nằm tọa lạc trên khu vực rộng 925,4m 2 . Mặt bằng kiến trúc được bố cục theo dạng “tiền Nhất, hậu Đinh”, gồm các tòa tiền tế, trung đường và hậu cung. Chùa Cổ Loa hay Bảo Sơn tự được khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Bố cục mặt bằng nền theo dạng “nội Công, ngoại Quốc”, gồm các hạng mục với tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu cung, gác chuông, tháp mộ, cổng hậu, nhà Tổ, nhà ni, nhà khách. Chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự) được dựng vào thời Hậu Lê, trên diện tích rộng 4.922,4m 2 . Chùa quay hướng Nam, bao gồm các hạng mục: Tam bảo, tiền đường, thượng điện, nhà Mẫu, giải vũ, hành lang… Cuối cùng, đình Mạch Tràng: tọa lạc trên một khu đất cao, có diện tích 6.198,4m 2 , gồm các hạng mục tiền tế, đại đình và hậu cung.
Thành Cổ Loa có giá trị về nhiều mặt. Về quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc bảo vệ đất nước. Về văn hóa, thành Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa. Một bằng chứng về sự sáng tạo cũng như trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.
Thành Cổ Loa chính là di tích lịch sử thể hiện nét đẹp không chỉ của quê hương tôi mà còn là của đất nước Việt Nam.
(3) Kết thúc: Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của thầy cô và các bạn.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Soạn bài Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 9 trang 84 sách Chân trời sáng tạo tập 1 tại thcshuynhphuoc-np.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Từ Khoá Liên Quan: